Hội thảo khoa học với chủ đề “Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: Thời cơ và thách thức đối với Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp” đã diễn ra sáng ngày 8/11, tại Hà Nội.
Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Kế hoạch – Đầu tư tổ chức .Các đồng chí: PGS,TS Lê Quốc Lý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; PGS, TS Lê Xuân Đình, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế và Dự báo chủ trì hội thảo.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm rõ về các vấn đề nội hàm của của tăng trưởng xanh, mối quan hệ giữa tăng trưởng xanh với phát triển bền vững; vai trò của Nhà nước cũng như của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh, phát triển bền vững không chỉ là nghĩa vụ mà còn là quyền lợi của các chủ thể tham gia quá trình tăng trưởng kinh tế: giải pháp để lồng ghép tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và các chính sách hiện hành của quản trị quốc gia, cũng như chiến lược kinh doanh trong quản trị doanh nghiệp.
Các chuyên gia nghiên cứu, nhà khoa học cho rằng, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới, trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò tích cực trong việc lựa chọn tăng trưởng xanh và thực hiện hóa mục tiêu bền vững của quốc gia.
Việc thực hiện tốt vấn đề về tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường sẽ giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững, thông qua các hoạt động, như: tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; kiểm soát ô nhiễm; tái chế chất thải; tiết kiệm tài nguyên…
Theo Viện trưởng Viện Chiến lược Phát triển Bùi Tất Thắng, một vấn đề đáng lưu ý trong thời gian gần đây là để đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là sự xuất hiện của Cách mạng công nghiệp 4.0 với đặc trưng là internet, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, công nghệ nano, khoa học vũ trụ, khoa học về đại dương, năng lượng tái tạo…
Mặt khác, huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước để triển khai kế hoạch hành động quốc gia, qua việc nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, tiết kiệm chi tiêu công.
Bên cạnh đó, cần chú ý huy động nguồn lực xã hội, đặc biệt từ khu vực doanh nghiệp, khu vực tư nhân để tối ưu hóa mục tiêu phát triển bền vững; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.
(Nguồn Tạp chí Truyền thống và Phát triển)