Trang chủ / Lao động - Sáng tạo

Cắt giảm điều kiện kinh doanh – Cởi trói cho doanh nghiệp nông nghiệp

Đây là chủ đề của buổi Tọa đàm trực tuyến do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay (ngày 19/12). Tọa đàm với sự tham gia của đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc Vụ Pháp chế, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT).

Toàn cảnh tọa đàm

Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, thời gian qua, Bộ NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ. Việc cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh đã góp phần giảm thiểu chi phí cho người dân và doanh nghiệp (DN) khi tham gia hoạt động kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp. Theo thống kê, ngành nông nghiệp có tổng số 345 điều kiện đầu tư kinh doanh. Đến nay Bộ NN&PTNT đã đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Chia sẻ tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Kim Anh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ NN&PTNT - cho biết, tại Bộ NN&PTNT đã thiết lập bộ phận một cửa để tiếp nhận các TTHC thuộc Bộ quản lý. Nay, các DN và người dân khi làm các TTHC không cần phải tìm đến từng cơ quan như Cục Chăn nuôi, Cục Trồng trọt, Cục Thú y, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV)... nữa, mà chỉ cần giao tiếp với bộ phận một cửa của Bộ. Bộ phận này chỉ tiếp nhận chứ không trực tiếp giải quyết, họ sẽ phân loại hồ sơ, rồi chuyển cho từng đơn vị trực thuộc Bộ để giải quyết các thủ tục. Quy trình TTHC đã được Bộ NN&PTNT công khai dưới các hình thức: Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC; cổng thông tin điện tử của Bộ và hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Bộ. Đồng thời, niêm yết tại nơi tiếp nhận hồ sơ TTHC.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã triển khai xây dựng, cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 và 11 TTHC được triển khai ở cơ chế một cửa quốc gia. Với cách làm này, sẽ giảm được nhiều chi phí cho DN.

Liên quan đến lĩnh vực chăn nuôi, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi - cho hay, trước đây nhiều DN ở miền Nam phải ra Hà Nội để làm các TTHC. Nhiều DN không thể ra được, nên phải thuê những công ty, hoặc “cò” chuyên làm thủ tục. Nay nhờ triển khai qua mạng, nên họ không cần phải thuê cò làm TTHC nữa. DN chỉ cần ngồi ở nhà cũng tự làm được hết các TTHC. Cũng theo ông Dương, việc áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia đã giúp giảm từ 60-70% thời gian kiểm tra và thông quan hàng hóa và tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng cho DN.

Ông Dương nhận định: Chúng ta đang triển khai nông nghiệp 4.0, nhưng nhiều cán bộ không muốn thay đổi thói quen cũ. Nhiều cán bộ vẫn quen đọc hồ sơ trên bản giấy, khi triển khai đọc văn bản trên mạng thì họ chưa quen. Vì vậy, thay đổi nhận thức của cán bộ là vấn đề rất quan trọng. Ông Dương cũng nêu vấn đề, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu chúng ta đang thiếu. Có văn bản pháp luật minh bạch rồi, nhưng hạ tầng thông tin phải đảm bảo. “Triển khai dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi, chúng tôi thường xuyên gặp trục trặc về mạng. Nếu áp dụng cách thức mới mà cả DN và cơ quan chức năng thấy khó hơn, lâu hơn thì không ai muốn làm. Chúng tôi kiến nghị với Chính phủ, nếu áp dụng Chính phủ điện tử, Bộ điện tử, Cục điện tử thì phải quan tâm đến hạ tầng mạng. Cần hiện đại hóa hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu thì chúng ta mới theo kịp được các nước, mới tiến lên được nông nghiệp 4.0”, ông Dương nói.

Theo Bộ NN&PTNT, thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, làm việc trực tiếp với DN, đến tận cửa khẩu để tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tính minh bạch, khách quan. Trên cơ sở đó Bộ sẽ rà soát toàn bộ các văn bản để không bị chồng chéo, cắt giảm TTHC rườm rà, tạo sự thông thoáng cho DN, nhưng phải tạo ra hàng rào kỹ thuật cần thiết nhằm bảo vệ sản xuất trong nước, ngăn chặn việc nhập khẩu mặt hàng nông nghiệp kém chất lượng vào Việt Nam.

Trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Trọng Ái - Phó Chánh văn phòng Cục Bảo vệ thực vật – chia sẻ: Nhiệm vụ trọng tâm năm 2017, cũng như năm 2018 tới đây là tiếp tục rà soát để cắt giảm về thời gian thực hiện, rà soát TTHC liên quan đến kiểm tra chuyên ngành; tiếp tục triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 theo các mục tiêu của Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

Nguồn Báo công thương